Như chúng ta đã biết, hầu hết các loài sứa đều có độc và do đó, gần như chúng không “có bạn chơi cùng”. Bởi đơn giản, ai đụng vào chúng đều có “cái kết” không hay. Tuy nhiên, có một loài dù vẫn có nọc độc nhưng lại rất nhiều “bạn”.
Con sứa mà chúng ta đang đề cập tới thuộc nhóm Rhizostomae. Từ những hình ảnh ghi lại, bạn sẽ thấy loài sứa này có vẻ ngoài bình thường với phần trên là nón lớn, phía dưới là các xúc tu. Tất cả kết hợp với nhau giúp sứa có thể bơi, cũng như tìm kiếm thức ăn…
Đặc biệt, loài sứa này được mệnh danh là “kẻ không ai chơi” bởi trên tất cả các bộ phận nó đều có nọc độc. Độc tố này tuy không gây chết người hay động vật nhưng những tác động của nó cũng vô cùng nguy hiểm: gây cảm giác bỏng rát cho bất kì con vật nào tới gần.
Thế nhưng, trong đoạn video được ghi lại tại một vùng biển thuộc Thái Lan, bạn sẽ rất bất ngờ khi bên dưới chúng là rất nhiều các động vật đang trú ngụ. Trong đó có thể kể đến cá dóc (shrimp scad).
Nhưng tại sao loài cá này lại có thể liều mạng như vậy? Theo các nhà sinh vật biển, cá dóc “núp bóng quan lớn” là nhằm tránh bị kẻ thù là cá trumpet săn đuổi. Bên cạnh đó, nó cũng lợi dụng sứa Rhizostomae để săn mồi, chủ yếu là các sinh vật phù du mà không sợ bất kì loài nào khác tranh giành.
“Da cá có một chất có thể khắc chế lại chất độc của sứa Rhizostomae”, một nhà sinh vật biển cho biết.
Các nhà khoa học cũng cho rằng đây là một hình thức sống cộng sinh, dù chưa biết rõ loài sứa sẽ có lợi gì. Bởi, sống cộng sinh thì đôi bên cùng có lợi.
Được biết, đến giai đoạn trưởng thành, cá dóc sẽ rời xa “ngôi nhà” của mình để kiếm ăn tự do. Nhưng trước khi đi, chúng sẽ kịp sinh sản cá thể mới. Quá trình đó vẫn liên tục tiếp diễn từ thế hệ này qua thế hệ khác.